Câu chuyện cậu bé lượm ve chai xếp giày và Vinamilk

11/04/2017 11:10:56 SA


Hình ảnh cậu vé lượm ve chai xếp giày đã lay động hành triệu trái tim chúng ta.

Mới đây, cư dân mạng đồng loạt chia sẻ tin vui khi Nguyễn Giang Thành Đạt - cậu bé lượm ve chai xếp giày cho bạn đi dã ngoại - đã được hiệu trưởng hai trường tài trợ ăn học miễn phí. Mẹ của Đạt đang đi lượm ve chai cũng được một doanh nghiệp ngành sữa hàng đầu Việt Nam nhận vào làm việc.

Một cái kết có hậu cho một sự kiện trên mạng xã hội bắt nguồn từ bức ảnh của nhà báo Phan Nghĩa (TP.HCM) đã làm lay động trái tim của hàng triệu con người.

Cách làm của doanh nghiệp sữa cũng như 2 ngôi trường nói trên là một trong những hoạt động của thời kỳ PR – Marketing3.0, khi người ta coi trọng đạo đức và sự tử tế .

“Ở kỷ nguyên PR – Marketing 3.0, người tiêu dùng tin rằng đồng tiền bỏ ra không chỉ thỏa mãn nhu cầu của mình mà còn góp phần cải tạo môi trường, gìn giữ thiên nhiên, phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, phát triển bền vững”.

“Doanh nghiệp nào làm được điều ấy sẽ chiếm được không chỉ tâm trí mà còn cả trái tìm của người tiêu dùng”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành viết trong cuốn sách nhan đề Thần thoại PR mới xuất bản của ông.

Chiếc áo 2 USD và chuyện người tiêu dùng muốn mua rẻ, nhà sản xuất sẽ có đủ thủ đoạn làm hàng rẻ

Năm 2013, một tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử ngành dệt may đã xảy ra ở Bangladesh khi một nhà xưởng 8 tầng ở ngoại ô thủ đô Dhaka đã sập, làm thiệt mạng khoảng 1.200 công nhân. Họ chết vì làm việc quá nhiều trong một môi trường không được đảm bảo theo các quy định về an toàn.

Tai nạn thảm khốc kia đã dấy lên một điều hiển nhiên mà trước giờ chưa được nhiều người để tâm: Nếu người tiêu dùng muốn mua rẻ, người sản xuất có đủ thủ đoạn để làm rẻ.

“Họ làm thế nào? Họ có thể sử dụng một là lao động trẻ em, hai là lao động phụ nữ với giá nhân công rẻ tiền, hoặc những người tử tù”, ông Nguyễn Đình Thành cho biết tại buổi tọa đàm 9 điều cần nhớ trong truyền thông doanh nghiệp mới đây.

Trong một video chạy chiến dịch Áo phông giá 2 Euro (The 2 Euro T-Shirt), một quầy hàng bán áo phông chỉ với 2 Euro được đặt giữa chốn đông người qua lại kèm theo một yêu cầu nhỏ: Bạn sẽ được mua cái áo phông rất đẹp với giá chỉ 2 Euro – một mức giá không tưởng – sau khi xem xong video này.

Khi bạn bỏ 2 Euro, bạn sẽ được gặp Manisha – cô gái trong video – một trong triệu triệu lao động nữ đang làm ra những chiếc áo giá rẻ chỉ để nhận một khoản tiền công rẻ mạt 13 cents/giờ (khoảng 3.000 đồng/giờ).

Mỗi ngày, họ phải làm việc quần quật trong 16 giờ đồng hồ để làm ra những chiếc áo giá chỉ có 2 Euro như vậy.

Cuối video, bạn sẽ có 2 lựa chọn: Hoặc vẫn mua cái áo phông giá 2 Euro, hoặc quyên góp. Và tất cả moi người đều lựa chọn quyên góp 2 Euro thay vì nhận chiếc áo.

“Chiến dịch này đã gợi ra thông điệp rằng: Đằng sau 1 cái áo 2 Euro là sự ép buộc của giới chủ khiến người yếm thế trong xã hội phải chịu đau khổ”.

“Trong Marketing ngày nay, tất cả các điểm mà doanh nghiệp sử dụng để chinh phục khách hàng đều có thể trở thành điểm bị tấn công: Cơ chế giá (đắt hay rẻ), sản phẩm (chất liệu có thân thiện với môi trường), điều kiện làm việc của người lao động, doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế…”

“Tất cả những điểm ấy, xưa kia chỉ khi bị báo chí “khui ra” hoặc cơ quan quản lý điều tra thì doanh nghiệp mới gặp khó khăn. Ngày nay, chỉ cần thông tin ấy xuất hiện trên mạng xã hội, ngay lập tức doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, hình ảnh bị đe dọa”, ông Thành chia sẻ.

Ông cũng cho rằng: Không chỉ nói về Marketing, mà mỗi khi có thể, các bạn hãy làm việc tốt cho xã hội, không nhất thiết mình là doanh nghiệp lớn hay bé, bởi “cho đi là nhận lại”.

Ông Thành cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân ông vào năm ngoái, khi gặp một tai nạn phải mổ u não.

“Tôi đã không chết, và giờ vẫn nói, đầu vẫn nhớ và chân tay co duỗi được bởi được 2 đồng chí công an đưa đi cấp cứu kịp thời. Tôi vẫn tin khi bạn làm việc tử tế, một lúc nào đó lưỡi hái tử thần có tới thì cũng chỉ sượt qua bạn mà thôi”.

“Hãy có niềm tin khi doanh nghiệp làm điều tử tế, bản thân làm điều tử tế, chắc chắn ở hiền sẽ gặp lành. Đừng nhìn ra xung quanh xem người ta có làm như mình hay không! Kệ họ đi! Mình cứ làm việc tốt của mình để trở thành người tử tế. Đó là cách tốt nhất để phát triển cả bản thân lẫn công việc”, ông Thành nhắn nhủ.

                                                                                                                                   (Sưu tầm)